Tất cả chuyên mục

Dự thảo luật Thanh tra quy định Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và các cơ quan thanh tra khác tiến hành thanh tra theo một trình tự, thủ tục thống nhất quy định tại dự thảo luật.
Sáng 8/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong đã trình Quốc hội Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi.
Theo Tổng Thanh tra, Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi gồm 9 chương và 64 điều, trong đó có 30 điều kế thừa luật hiện hành. Các quy định tại 30 điều này không bị ảnh hưởng bởi việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra và còn phù hợp với thực tiễn.
So với luật hiện hành, dự thảo luật lược bỏ 54 điều. Đó là, lược bỏ hoàn toàn quy định về Thanh tra Bộ; Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ; cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra sở, Thanh tra huyện, tổ chức và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành…
Nội dung lược bỏ này, theo Tổng Thanh tra, để thực hiện Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Cũng để thực hiện Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra, dự thảo luật đã sửa đổi, hoàn thiện một số nội dung tại 23 điều. Cụ thể, tại Điều 7, dự thảo luật quy định các cơ quan thanh tra, gồm: Thanh tra Chính phủ; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Cơ yếu; Cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Các quy định về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong thực hiện kết luận thanh tra; căn cứ ban hành quyết định thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, ban hành kết luận thanh tra…, cũng được sửa đổi, bổ sung.
Ngoài ra, dự thảo luật sửa đổi, hoàn thiện khái niệm “thanh tra.” Theo đó, khoản 1, Điều 2 của dự thảo Luật quy định: “Thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, kết luận, kiến nghị xử lý của cơ quan thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.”
Đáng chú ý, dự thảo luật quy định thống nhất một hoạt động “thanh tra,” theo đó không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và các cơ quan thanh tra khác tiến hành thanh tra theo một trình tự, thủ tục thống nhất quy định tại dự thảo luật.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng sửa đổi, hoàn thiện quy định về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong thực hiện kết luận thanh tra. Cụ thể, khoản 3, Điều 53 của dự thảo luật quy định: Đối tượng thanh tra có trách nhiệm thực hiện việc khắc phục các sai phạm về kinh tế, xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật nêu trong kết luận thanh tra; báo cáo kết quả thực hiện đến cơ quan ban hành kết luận thanh tra. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kết luận thanh tra thì báo cáo cơ quan ban hành kết luận thanh tra để trình Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp xem xét, xử lý.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng sửa đổi, hoàn thiện quy định về xử lý chồng chéo, trùng lắp giữa hoạt động thanh tra với kiểm toán nhà nước. Khoản 1, Điều 56 của dự thảo luật quy định: Khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, nếu phát hiện chồng chéo, trùng lắp, cơ quan thanh tra phối hợp với cơ quan kiểm toán nhà nước để xử lý, bảo đảm một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc cơ quan kiểm toán nhà nước.
“Giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra chuyên ngành và giám sát, do có sự khác nhau về mục đích, nội dung, phạm vi, thời hạn, trình tự, thủ tục, phương pháp tiến hành nên khi có sự chồng chéo về đối tượng thì các cơ quan sẽ thực hiện trao đổi, thống nhất để xử lý trong từng trường hợp cụ thể.
Sau khi sắp xếp lại hệ thống cơ quan thanh tra, Thanh tra Chính phủ tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ của 12 Thanh tra Bộ. Thanh tra tỉnh tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra cấp huyện, Thanh tra sở.
Vì vậy, dự thảo luật bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh. Theo đó, Thanh tra Chính phủ dự kiến bổ sung nhiệm vụ “thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ đối với Bộ không có Thanh tra Bộ”; “thanh tra việc chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ không có Thanh tra Bộ.”
Thanh tra tỉnh sẽ “thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc sở và ủy ban nhân dân các cấp”; “thanh tra việc chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của các sở.”
Quy định mới nữa, dự thảo luật bổ sung nhiệm vụ cho các cơ quan thanh tra trong công tác phòng, chống lãng phí; bổ sung quy định về kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra; bổ sung quy định về chuyển thông tin cho cơ quan điều tra trong hoạt động thanh tra để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Về phía cơ quan thẩm tra, theo ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, một số nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ quy định tại khoản 1 Điều 10 của dự thảo Luật (như “Thanh tra các vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của nhiều Bộ, cơ quan ngang Bộ”, “Thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ, cơ quan ngang Bộ đại diện chủ sở hữu”) và vị trí, chức năng của Thanh tra tỉnh quy định tại Điều 15 (như giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh “quản lý nhà nước về công tác thanh tra”) đang kế thừa quy định của Luật hiện hành là chưa thực sự bám sát những đổi mới trong tổ chức bộ máy các cơ quan thanh tra vì các quy định đó chỉ phù hợp với bối cảnh ở các Bộ có Thanh tra Bộ, ở một số sở chuyên môn và Ủy ban nhân dân cấp huyện có tổ chức cơ quan thanh tra.
Do đó, đề nghị rà soát các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ và vị trí, chức năng của Thanh tra tỉnh trong dự thảo Luật để chỉnh lý, hoàn thiện bảo đảm đồng bộ với mô hình tổ chức của các cơ quan thanh tra sau sắp xếp.
Ngoài ra, sau khi thực hiện việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra, với việc tăng cường hoạt động kiểm tra chuyên ngành của các Bộ, ngành, địa phương, thì có thể dẫn đến phát sinh tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra chuyên ngành, ngoài ra cũng có thể chồng chéo với hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử.
“Đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với các hoạt động này để tạo thuận lợi trong thực hiện, bảo đảm hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, kiểm tra, giám sát,” đại diện cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng các trường hợp cần quy định chuyển tiếp để bảo đảm đầy đủ, tạo thuận lợi cho cơ quan thanh tra, đối tượng thanh tra tổ chức thực hiện, không để khoảng trống pháp lý hoặc phát sinh khó khăn, vướng mắc, ví dụ bổ sung quy định chuyển tiếp về việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện đối với các kết luận thanh tra, việc đối tượng thanh tra thực hiện kết luận thanh tra của cơ quan thanh tra kết thúc hoạt động sau sắp xếp…/.
Theo Vietnam+
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/hop-quoc-hoi-khong-phan-biet-thanh-tra-hanh-chinh-va-thanh-tra-chuyen-nganh-post1037267.vnp
Ý kiến ()