Tất cả chuyên mục

Bên nhau suốt thời chiến tranh, cùng nhau trải qua bao thăng trầm lịch sử, đến ngày đất nước trọn niềm vui thống nhất, tình cảm vợ chồng của ông Nguyễn Xuân Đỉnh (81 tuổi) và bà Võ Thúy Phượng (79 tuổi), ngụ thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, vẫn sắt son như thuở ban đầu.
Nhớ mãi một thời hào hùng
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tiểu đoàn 261-Giron đã đi vào lịch sử với những trận đánh oai hùng, trở thành một biểu tượng đẹp, ý nghĩa cho tình hữu nghị Việt Nam - Cuba, ông Nguyễn Xuân Đỉnh - Trưởng ban Liên lạc Tiểu đoàn 261-Giron, mở đầu câu chuyện khi hồi tưởng lại một thời hào hùng.
Ông Đỉnh chậm rãi kể: “Tôi không phải là thế hệ đầu tiên của Tiểu đoàn 261-Giron nhưng thật tự hào khi được chiến đấu trong đội hình của Tiểu đoàn. Đây là đơn vị đánh địch rất “lạ”, rất chủ động, linh hoạt, không theo lối mòn và kết thúc trận đánh nhanh”.
Lật từng trang giấy trong cuốn ký sự tư liệu về Tiểu đoàn 261 do chính mình viết và biên soạn, ông nhớ lại: Cuối năm 1960, khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, Quân Giải phóng chính thức là một bộ phận trực tiếp chiến đấu trên các chiến trường, đảm đương sứ mệnh thúc đẩy cách mạng miền Nam tiến lên.
Ngày 02/01/1961, tại một vùng giải phóng thuộc tỉnh Long An, gần biên giới Campuchia (nay là xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An), Tiểu đoàn 261 chính thức được thành lập. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân khu 8, gồm 7 tỉnh: Long An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Kiến Tường, Kiến Phong và An Giang. Biên chế ban đầu của Tiểu đoàn gồm 2 đại đội bộ binh, 1 trung đội trợ chiến, gồm bộ đội địa phương và du kích của các tỉnh trong Quân khu 8.
Với khẩu hiệu “Đi là chiến thắng, đánh là dứt điểm”, từ năm 1962, Tiểu đoàn 261 cùng bộ đội địa phương tham gia nhiều trận đánh ở các tỉnh: Gò Công, Long An, Bến Tre, Mỹ Tho và Đồng Tháp, gây cho địch nhiều thiệt hại, tạo thế có lợi cho ta.
Nhắc đến Tiểu đoàn 261, chiến công không thể không nhắc đến là Chiến thắng Ấp Bắc ngày 02/01/1963, đúng dịp kỷ niệm 2 năm thành lập Tiểu đoàn. “Chiến thắng Ấp Bắc không chỉ vang xa cả nước mà vượt ra ngoài biên giới, sang các nước Mỹ - Latin, trong đó có đất nước Cuba ở bên kia nửa vòng Trái đất.
Chủ tịch Nhà nước Cuba - Phidel Castro đã ví chiến thắng Ấp Bắc có giá trị như chiến thắng Giron của nhân dân Cuba. Vì vậy, ông đã trao tặng Cờ chiến thắng Giron cho Tiểu đoàn 261 và từ đó, Tiểu đoàn có tên là Tiểu đoàn 261- Giron” - ông Đỉnh nói.
Còn bà Võ Thúy Phượng, bí danh Bảy Đen, từ bé lớn lên ở Kopong Cham, Campuchia. Năm 19 tuổi, bà và 3 cô bạn gái chung khu trốn theo giải phóng Việt Nam. Ông bà gặp và yêu nhau trong chiến tranh. Tình yêu ấy hòa trong tình yêu Tổ quốc. Bà biết tiếng và chữ Khmer, Pháp và Việt nên bà còn dạy học, làm kế toán, văn thư đánh máy, tham gia văn nghệ,...
Bà bị thương nhiều lần nhưng nguy kịch nhất là năm 1971. “Hồi đó, tôi mang bầu đứa con đầu lòng khoảng 8 tháng. Một trận bom Mỹ đã đè sập hầm, cây to ngã và đất đổ. Đồng đội cố bươi để moi tôi lên. Sau đó, tôi đau bụng. Con trai ra đời thiếu tháng vào mùa hè 1971. May mắn là cả 2 mẹ con đều sống sót” - bà Phượng kể lại.
Cùng nhau đi qua năm tháng
Sau năm 1975, bà bế con trai bé tí sanh hồi tháng 3, vất vả hỏi đường tìm về quê chồng. Ông bế đứa con gái hơn 1 tuổi từ một phía khác, về quê, lòng mong mỏi gặp lại vợ con.
Ngoài tình yêu thương, về quê sau cuộc chiến, vợ chồng bà mang theo trên mình những vết thương do bom đạn để lại. Và giờ đây, khi trái gió trở trời, sống lưng bà lại đau buốt. Sau chiến tranh, cuộc sống không súng đạn nhưng đầy thử thách. Ông thường bệnh đau, bà tất tả chăm chồng, nuôi con,...
Bà Phượng nói: “Ai từng trải qua chiến tranh mới thấy sự ác liệt và tàn khốc vô cùng. Con người đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết. Vợ chồng tôi may mắn trở về sau ngày 30/4/1975 nên không có khó khăn nào mà không thể cùng nhau vượt qua”.
Đó cũng là lý do sau ngày đất nước thống nhất, ông từ chối hầu hết các đãi ngộ, cùng vợ tự xây dựng cuộc sống bằng chính đôi tay của mình. Cả nhà có lúc đói cơm nhưng bằng tình yêu, ông bà nuôi dạy các con học hành, sống tử tế,...
Bà đa tài nên dẫu không biết về vọng cổ cũng cố gắng tìm hiểu, học và viết vọng cổ. Bà có nhiều bài được HTV7 dàn dựng phát sóng, nổi nhất là Tương tư anh bán chiếu, Hoa ngò gai, Nàng xuân của lính,...
Đã 55 năm ông bà bên nhau từ chiến tranh đến hòa bình. Căn nhà nhỏ ấm cúng nép bên dòng sông hiền hòa ngày nào cũng có bạn đến thăm.
Gần đây nhất, căn nhà là nơi hội tụ của những người cựu chiến binh, đồng đội xưa ở chiến trường để cùng nhau mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Mấy năm nay, căn nhà của ông bà còn là điểm sinh hoạt của câu lạc bộ dưỡng sinh. Đó cũng là niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng già cùng nhau đi qua năm tháng cuộc đời./.
Ý kiến ()