Tất cả chuyên mục

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV sẽ khai mạc vào ngày 05/5 tới, với nhiều nội dung quan trọng được xem xét, thông qua.
Theo quyết định triệu tập của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 05/5 tới đây, ngay sau dịp nghỉ Lễ 30/4 và Quốc tế Lao động 01/5.
Kỳ họp được chia thành 2 đợt, trong đó đợt 1 diễn ra từ ngày 05/5 đến ngày 29/5 và đợt 2 từ ngày 11/6 đến ngày 28/6.
Đây là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử quan trọng với thời gian họp dài nhất, xem xét, quyết định khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung có tính cấp thiết, quan trọng vừa được Trung ương thống nhất chủ trương tại Hội nghị lần thứ 11.
Cụ thể, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 64 nội dung, nhóm nội dung, trong đó có 3 nghị quyết về công tác lập hiến; 49 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 12 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác của đất nước; đồng thời, có 8 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nghiên cứu, làm cơ sở để thực hiện quyền giám sát và xem xét các nội dung theo quy định.
Có thể nói, đây là những nội dung có tính cấp thiết, quan trọng, liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có tác động sâu, rộng đến người dân, doanh nghiệp, tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp, như sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, sắp xếp đơn vị hành chính các cấp nhằm tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tháo gỡ khó khăn, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế cả nước...
Để chuẩn bị cho kỳ họp quan trọng này, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đã tích cực phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức cho ĐBQH tiếp xúc cử tri tại 15 huyện, thị xã và thành phố để kịp thời thông tin dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp cho cử tri nắm biết. Qua đó, có gần 2.000 cử tri tham dự, Đoàn cũng đã ghi nhận hơn 150 lượt ý kiến, kiến nghị liên quan đến 12 lĩnh vực của đời sống xã hội thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương và địa phương, được Đoàn kịp thời tổng hợp chuyển đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam và UBND tỉnh để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Về công tác lập pháp, song song với lấy ý kiến đóng góp bằng văn bản, Đoàn đã tổ chức 10 hội nghị lấy ý kiến các sở, ngành đối với 35 dự án luật được trình tại kỳ họp. Đồng thời, Đoàn tổ chức hội nghị tiếp xúc chuyên đề với lãnh đạo UBND và các sở, ngành tỉnh để nghe lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những tháng đầu năm 2025 và các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị liên quan đến các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, nhất là các vấn đề có liên quan đến nội dung, chương trình kỳ họp.
Thông qua các hoạt động như tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến đóng góp đối với các dự án luật, Đoàn sẽ phân công các ĐBQH trong Đoàn tập trung nghiên cứu, chuẩn bị nội dung phát biểu tại kỳ họp, làm sao để những ý kiến đóng góp của Đoàn đảm bảo chất lượng, sát với thực tiễn cuộc sống, mang tính phản biện cao, giúp cho Ban soạn thảo và Cơ quan thẩm tra có thêm nhiều thông tin để chỉnh lý hoàn thiện các dự án luật trình ra Kỳ họp Quốc hội.
Đoàn cũng sẽ quan tâm phát biểu về các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế -xã hội nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2025 từ 8% trở lên và hai con số trong những năm tiếp theo, trong bối cảnh tình hình thế giới xuất hiện nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn, chiến tranh thương mại xảy ra diện rộng, trong đó có chính sách thuế quan mới của Mỹ, triển vọng kinh tế thế giới suy giảm,… đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế đất nước.
Thông qua các phiên thảo luận tại Tổ và hội trường, các đại biểu trong Đoàn sẽ tích cực nghiên cứu đóng góp các quy định về phân cấp, phân quyền, việc triển khai quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc xây dựng chính quyền điện tử, kinh tế số, xã hội số, công dân số, nhất là triển khai, thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia,… gắn với đóng góp ý kiến để hoàn thiện các dự án luật trình tại Kỳ họp như Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật gồm Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công,…
Đây là những dự án luật có tác động sâu, rộng đến người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho các dự án, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, Đoàn tiếp tục kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương có các giải pháp về việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông để kết nối các địa phương khi thực hiện chính quyền địa phương hai cấp và sáp nhập tỉnh, nhất là đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông quan trọng có tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như đường Vành đai 3, Vành đai 4, Quốc lộ N2; Cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa.
Đặc biệt, tại kỳ họp này, Đoàn tiếp tục kiến nghị Quốc hội, Chính phủ đẩy nhanh tiến độ dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 62, vì dự án này kéo dài qua nhiều năm, cử tri kiến nghị rất nhiều lần tại các buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tại địa phương.
Đồng thời, kiến nghị các vấn đề liên quan đến Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại tỉnh Long An. Công tác phòng, chống xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu; các cơ chế, chính sách hỗ trợ, bảo vệ nông dân, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao thu nhập cho nông dân,...
Đây cũng là những vấn đề được nhiều cử tri kiến nghị tại các buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh trước kỳ họp, sẽ được Đoàn ưu tiên tổng hợp, đưa vào nội dung kiến nghị, nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, niềm tin trong cử tri và nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội.
Từng đại biểu trong Đoàn tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, đóng góp những ý kiến có chất lượng để kỳ họp thành công tốt đẹp.
Qua đây, tôi cũng rất mong tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các sở, ngành, MTTQ và các đoàn thể, cùng quý cử tri đối với hoạt động của Quốc hội nói chung và hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh nói riêng trong thời gian tới. Chúc các đồng chí cùng quý cử tri luôn mạnh khỏe và thành công trong cuộc sống./.
Ý kiến ()