Thứ Hai, 05/05/2025 23:11 (GMT +7)

Ngành du lịch “đại thắng” ở kỳ nghỉ lễ 30/4 với niềm tự hào 50 năm

Thứ 2, 05/05/2025 | 19:40:49 [GMT +7] A  A

Ưu tiên hành trình "tour về nguồn" mang dấu ấn lịch sử để tri ân và sống lại những ký ức hào hùng của dân tộc nhân với niềm "tự hào 50 năm," đông đảo du khách đã đổ về Thành phố Hồ Chí Minh dịp 30/4.

Niềm vui của du khách trong những ngày cả nước hướng về Đại lễ. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Niềm vui của du khách trong những ngày cả nước hướng về Đại lễ (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Với tinh thần “Tự hào 50 năm - Rạng rỡ thành phố mang tên Bác,” Thành phố Hồ Chí Minh đã thực sự ghi dấu ấn mạnh mẽ trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, khi tạo sức lan tỏa về niềm tự hào dân tộc của người dân Việt Nam, đồng thời mang đến cho du khách những trải nghiệm ấn tượng trong ngày hội lớn của đất nước.

Nhờ đó, Thành phố mang tên Bác đã đón 1,95 triệu lượt khách, doanh thu gấp đôi năm ngoái, lần đầu tiên công suất phòng đạt 95%.

Đáng chú ý, theo số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia, kỳ nghỉ 5 ngày dịp 30/4 năm nay, toàn ngành cũng đánh dấu cột mốc về lượng khách du lịch nhiều nhất kể từ sau đại dịch COVID-19, với hơn 10,5 triệu lượt khách (tăng hơn 31% so với cùng kỳ 2024).

"Đầu tàu" Thành phố Hồ Chí Minh

Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia, hầu hết các trọng điểm du lịch trên cả nước đều ghi nhận tín hiệu tích cực với lượng khách tăng từ 50-100%, so với cùng kỳ 2024. Ngoài Thành phố Hồ Chí Minh thu hút gần 2 triệu lượt khách, các tỉnh thành khác cũng đón lượng khách cao trên một triệu lượt là Thanh Hóa (1,6 triệu lượt), Quảng Ninh (hơn 1,1 triệu), Khánh Hòa (trên 1 triệu).

Đặc biệt, về doanh thu du lịch, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn dẫn đầu cả nước dịp nghỉ lễ khi thu về hơn 7.100 tỷ đồng, Thanh Hóa đứng thứ hai với doanh thu gần 4.200 tỷ đồng (kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm ngoái, Thanh Hóa là địa phương có doanh thu du lịch cao nhất nước, với hơn 3.800 tỷ đồng; Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với hơn 3.200 tỷ đồng; Hà Nội đứng thứ ba với 2.500 tỷ đồng).

Du khách quốc tế được tặng cờ Tổ quốc tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Du khách quốc tế được tặng cờ Tổ quốc tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Mặc dù kỳ nghỉ vừa qua Kiên Giang không nằm trong danh sách các tỉnh thành đón nhiều khách nhất (300.000 lượt), nhưng vẫn được ghi nhận là một điểm sáng khi có doanh thu nằm trong top cao, với gần 1.000 tỷ đồng.

Tại khu vực phía Bắc, du khách có xu hướng đổ về Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An). Khu vực miền Trung có Bà Nà (Đà Nẵng), Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hòa), Mũi Né (Bình Thuận), Măng Đen (Kon Tum), Đà Lạt (Lâm Đồng). Tại khu vực phía Nam “điểm nóng” hút khách là Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Quốc (Kiên Giang).

Về công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước, theo Cục Du lịch con số này đạt khoảng 70%. Đặc biệt, trong hai ngày 30/4-1/5, công suất phòng đạt trên 80%; nhiều điểm đến ven biển và Thành phố Hồ Chí Minh đạt tỷ lệ kín phòng tới 90-95%.

Để phục vụ nhu cầu đi lại trong kỳ nghỉ lễ, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet đã tăng cường khoảng 20% chuyến bay khung giờ từ 23 giờ đến 5 giờ, góp phần bổ sung, tăng tải cung ứng. Nhờ đó, Vietnam Airlines cung ứng hơn 610.000 chỗ, tương đương hơn 3.200 chuyến bay nội địa; Vietjet cung ứng gần 620.000 ghế, tương đương với gần 500 chuyến bay nội địa; tăng lần lượt 35% và 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những du khách nhí tham quan Dinh Độc lập, Thành phố Hồ Chí Minh trong kỳ nghỉ ý nghĩa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Những du khách nhí tham quan Dinh Độc lập, Thành phố Hồ Chí Minh trong kỳ nghỉ ý nghĩa (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Không có sự cố đáng tiếc

Lãnh đạo ngành đánh giá kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày cùng nhiều chương trình, sự kiện, hoạt động, lễ hội được các địa phương, doanh nghiệp tổ chức đồng loạt nên hầu hết các điểm đến đã đón lượng khách nhiều hơn, thời gian lưu trú dài hơn, doanh thu tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2024. Dù đã qua mùa cao điểm khách ngoại, song lượng khách quốc tế vẫn có đà tăng trưởng tốt. Giá phòng và các dịch vụ du lịch không có nhiều biến động lớn.

Có thể nói, sự tăng trưởng về lượng khách, hoạt động du lịch diễn ra an toàn, đảm bảo chất lượng trong kỳ nghỉ là kết quả tổng hòa của nhiều yếu tố: Kỳ nghỉ kéo dài đã tạo cơ hội cho người dân lên kế hoạch du lịch; sự kiện kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tạo sức hút mạnh mẽ, đặc biệt tại các điểm đến miền Nam; Hạ tầng giao thông cải thiện đã giúp du khách di chuyển dễ dàng hơn.

Nhờ các địa phương, doanh nghiệp không ngừng đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách cùng với công tác quản lý được các địa phương chú trọng từ sớm đã góp phần nâng cao trải nghiệm du khách…

Đặc biệt, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay đã đảm bảo được an ninh, an toàn hoạt động du lịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra các trường hợp tai nạn, sự cố đáng tiếc. Đến thời điểm báo cáo chiều ngày 4/5 do Cục Du lịch tổng hợp chưa ghi nhận sự cố nghiêm trọng liên quan đến khách du lịch trên phạm vi toàn quốc.

Hàng chục nghìn người đổ về trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh dự Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. (Ảnh: TTXVN)
Hàng chục nghìn người đổ về trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh dự Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia, du lịch dịp lễ vẫn còn một số tồn tại như hiện tượng ùn tắc cục bộ tại các “điểm nóng” du lịch và trên các tuyến quốc lộ dẫn về các thành phố lớn trong thời điểm đầu và cuối kỳ nghỉ lễ.

Chất lượng phục vụ tại một số điểm đến ven biển chưa thực sự đáp ứng kỳ vọng của du khách bởi tình trạng quá tải, thiếu nguồn nhân lực chất lượng. Một số cơ sở lưu trú du lịch hủy phòng đã đặt của khách qua các nền tảng đặt phòng khách sạn; nâng giá phòng đột ngột trong dịp cao điểm đã để lại ấn tượng không tốt…/.

Trong kỳ nghỉ lễ, ngành Đường sắt đã tăng thêm các chuyến tàu từ Hà Nội đi Đà Nẵng, Đồng Hới, Hải Phòng, Lào Cai và ngược lại từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Quy Nhơn.

Trong dịp lễ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng tổ chức chạy đôi tàu mang tên "Đoàn tàu Thống Nhất" với mong muốn lan tỏa niềm tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đổi mới của đất nước và của các doanh nghiệp Việt.

Các bến cảng thủy nội địa đã tăng thêm các chuyến tàu ra đảo Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quý, Phú Quốc, phục vụ khách du lịch và người dân. Đặc biệt trong dịp nghỉ lễ, Quảng Ninh đã đón đoàn gần 1.700 du khách Nhật Bản đầu tiên tới Hạ Long bằng siêu du thuyền.

Theo Vietnam+

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/nganh-du-lich-dai-thang-o-ky-nghi-le-304-voi-niem-tu-hao-50-nam-post1036555.vnp

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu