Thứ Năm, 10/07/2025 22:25 (GMT +7)

Cách người trẻ 'sạc pin' giữa áp lực cuộc sống

Thứ 5, 10/07/2025 | 14:45:53 [GMT +7] A  A

Cuộc sống hiện đại của người trẻ không chỉ có những lo toan về cuộc sống mà còn là áp lực về tinh thần. Khi nhịp sống ngày càng nhanh, cường độ làm việc lớn, mối quan hệ xã hội phức tạp, nhu cầu giải tỏa căng thẳng, tìm lại sự cân bằng càng trở nên cần thiết.

Sau khi hoàn thành chương trình đại học và chính thức đi làm, chị Nguyễn Thị Thùy Dương (xã Đức Huệ, tỉnh Tây Ninh) đối mặt với nhiều bỡ ngỡ. Chị Dương chia sẻ: “Tôi đang làm kiến trúc sư tại phường Phú Nhuận, TP.HCM. Do vừa tốt nghiệp, ít kinh nghiệm nên tôi chưa quen với nhịp độ của môi trường mới. Công việc văn phòng, đi làm đúng giờ, tan làm muộn, tăng ca,... khiến tôi cảm thấy áp lực”. Mỗi khi căng thẳng, chị tìm đến người thân, bạn bè để chia sẻ, xin lời khuyên, cảm nhận niềm vui khi có người đồng hành, cảm thông.

Việc hòa mình vào thiên nhiên giúp chị Nguyễn Thị Thùy Dương (xã Đức Huệ) vơi đi lo lắng, áp lực

Một trong những cách xả stress hữu hiệu của chị Dương là dành thời gian làm việc mình thích. Chị Dương cho biết: “Đây là cách để tôi "dọn dẹp" tâm trí và suy nghĩ tích cực hơn. Tôi sẽ đọc sách có nội dung mình yêu thích, xem phim, các chương trình truyền hình. Ngoài ra, việc tham gia các hoạt động thư giãn như lắp ghép mô hình, vẽ tranh, chạy xe đạp một mình ngắm cảnh, chăm sóc cây trong vườn hay dọn dẹp nhà,… đều làm cho mình thoải mái hơn”. Việc “sạc pin” để tăng năng lượng hạnh phúc còn giúp chị Dương lấy lại bình tĩnh, suy nghĩ kỹ và khách quan hơn để giải quyết vấn đề, đối mặt với khó khăn.

Áp lực đối với anh Huỳnh Trung Quốc Thái (xã Mỹ Lộc, tỉnh Tây Ninh) lại xuất phát từ những lo lắng, băn khoăn của bản thân trong hành trình trưởng thành. Suy nghĩ “Mình đã khiến gia đình yên tâm hay chưa?” luôn là trăn trở của anh mỗi khi đưa ra quyết định trong học tập, công việc.

Anh Thái chia sẻ: “Tôi đang làm trong ngành Marketing tại TP.HCM. Gia đình muốn tôi làm việc gần nhà để cận kề ba mẹ, cuộc sống ổn định hơn nhưng tôi nghĩ tương lai là do chính bản thân quyết định. Vì vậy, tôi phải chứng minh cho gia đình, người thân thấy mình đủ bản lĩnh và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước những gì mình đã nói, đã làm”.

Câu chuyện của anh Thái phản ánh một thực tế phổ biến trong giới trẻ hiện nay: Ngoài áp lực mưu sinh, họ còn phải đối diện với những kỳ vọng, định kiến và sự giằng xé giữa trách nhiệm và khát vọng cá nhân. Anh Thái không ít lần tự hỏi: “Liệu quyết định hôm nay có làm mình hạnh phúc không?” hay “Người thân có cảm nhận được sự tích cực mà mình mang lại không?”.

Áp lực của anh Huỳnh Trung Quốc Thái (xã Mỹ Lộc) xuất phát từ mong muốn gia đình yên tâm về bản thân

Cách nhanh nhất để lấy lại tinh thần khi đối diện với áp lực của anh Thái là ngồi lại tâm sự với bạn bè thân thiết. “Đôi khi nhận vài dòng tin nhắn thôi tôi cũng cảm thấy ấm lòng. Không nhất thiết phải được nghe an ủi nhưng cảm giác có ai đó lắng nghe và dành chút sự thấu hiểu cho áp lực, khó khăn làm tôi cảm thấy được vỗ về, chữa lành” - anh Thái tâm sự.

Tuy nhiên, để sẵn sàng đối diện với áp lực, anh hiểu rằng những vấn đề hiện hữu cần được giải quyết. Anh Thái chia sẻ: “Để gia đình yên tâm về mình, tôi luôn nhắc bản thân phát triển hơn, chủ động tìm kiếm và nắm bắt các cơ hội, mở mang tri thức”.

Để đối diện với áp lực, nhiều người trẻ chọn cách chia sẻ với người thân, bạn bè, lắng nghe lời khuyên, tìm điểm tựa tinh thần từ những mối quan hệ xung quanh. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là khả năng tự vực dậy bản thân, tìm thấy động lực để tiếp tục tiến về phía trước./.

Hoàng Lan

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu