Thứ Bảy, 17/05/2025 23:00 (GMT +7)

Đại biểu Quốc hội Long An đóng góp dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Thứ 7, 17/05/2025 | 19:28:33 [GMT +7] A  A

Chiều 16/5, tiếp tuc chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.

Tham gia đóng góp quy định tại khoản 5, Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội, đại biểu Trần Quốc Quân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu việc đề xuất điều chỉnh thời gian hoàn thành xây dựng chương trình lập pháp nhiệm kỳ trước ngày 01/6 như dự thảo luật mà thay vào đó là quy định mốc thời gian tối đa sau 6 tháng kể từ ngày bầu cử hoặc là ngày đầu nhiệm kỳ mới phải hoàn thành chương trình lập pháp nhiệm kỳ mới để đảm bảo tính ổn định, lâu dài của luật và để các cơ quan chức năng có đủ thời gian chuẩn bị và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đại biểu Trần Quốc Quân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An, tham gia đóng góp dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Đại biểu Trần Quốc Quân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An, tham gia đóng góp dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Đại biểu Trần Quốc Quân cho rằng thực tế nước ta trải qua 15 kỳ bầu cử Quốc hội (trong đó có 5 kỳ bầu cử vào tháng 5; 3 kỳ bầu cử vào tháng 7; 6 kỳ bầu cử vào tháng 4 và 1 kỳ bầu cử vào tháng 1) và theo quy định tại khoản 3, Điều 71 của Hiến Pháp năm 2013 quy định “Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá mười hai tháng, trừ trường hợp có chiến tranh". Từ đó, thời gian tổ chức bầu Quốc hội nhiệm kỳ khoá mới có thể thay đổi đáp ứng với yêu cầu giai đoạn lịch sử cách mạng và quá trình phát triển đất nước.

Đối với quy định tại khoản 18, Điều 1 dự thảo Luật bổ sung khoản 4 vào Điều 72 của luật hiện hành quy định về điều khoản chuyển tiếp. Đại biểu Trần Quốc Quân thống nhất với nội dung thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, trong đó có nội dung kiến nghị Ban soạn thảo và Chính phủ tiếp tục rà soát xử lý chuyển tiếp với các nhóm vấn đề: Việc chuyển giao hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND cấp huyện ban hành trước khi sắp sếp đảm bảo phù hợp với thẩm quyền của đơn vị nhận chuyển tiếp (cấp tỉnh hoặc cấp xã); văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở Trung ương, văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp tỉnh quy định áp dụng riêng cho cấp huyện, cấp xã trước khi kết thúc hoạt động; việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đối với xã mới sáp nhập từ hai hay nhiều đơn vị hành chính cấp huyện trước khi sắp sếp.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Quốc Quân cũng đề nghị Chính phủ và Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định chuyển tiếp đối với những văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ sẽ thực hiện như thế nào sau khi cấp huyện kết thúc hoạt động như quyết định phong tặng, trao tặng các danh hiệu khen thưởng cấp nhà nước cho cấp huyện; Quyết định công nhận kết quả xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vừa mới được công bố hoặc đã có quyết định mà chưa tổ chức lễ công bố... trong khoảng thời gian thực hiện lộ trình sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính hiện nay.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, đóng góp đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, đóng góp đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính: Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, thống nhất  cao sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành nhằm cụ thể hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, sắp xếp tổ chức bộ máy, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; đồng thời, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định bị tác động bởi chủ trương sắp xếp, tổ chức bộ máy ở Trung ương và địa phương, những vướng mắc, bất cập lớn, cơ bản, mang tính phổ quát, thực sự là “điểm nghẽn” cần phải tháo gỡ trong thực tiễn xử lý vi phạm hành chính thời gian qua.

Liên quan đến thẩm quyền xử phát vi phạm hành chính, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho rằng dự thảo đã sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật hiện hành để phù hợp với yêu cầu tình hình mới trong bối cảnh: (1) Tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; (2) Khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật hiện hành qua triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2020, (3) Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan, đặc biệt là các luật về tổ chức bộ máy nhà nước; Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Bộ Luật Hình sự, Luật Thanh tra, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân cũng được xem xét thông qua tại kỳ họp này và cùng có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.

Tuy nhiên, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại quy định về thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính của Trưởng đoàn kiểm tra, vì theo đại biểu: Nếu quy định thẩm quyền xử phạt của Trưởng đoàn kiểm tra sẽ phát sinh nhiều vấn đề thực tiễn mà sẽ không có quy định để giải quyết, chưa kể đến việc tổ chức thi hành quyết định xử phạt này như thế nào, rồi phát sinh khiếu nại, khởi kiện quyết định xử phạt, rồi sử dung con dấu như thế nào trong trường hợp Trưởng đoàn kiểm tra là cấp Trưởng phòng cũng như hiện nay trong bộ máy của chính quyền cấp xã có các phòng, quy định như dự thảo Trưởng phòng cũng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính liệu có khả thi.

Trong trường hợp Đoàn kiểm tra của các tổ chức không phải là cơ quan quản lý nhà nước như của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể,... nếu cũng phát hiện có vi phạm trong quá trình kiểm tra mà vi phạm này cũng có liên quan đến nội dung, phạm vi kiểm tra thì Trưởng đoàn có xử phạt được không, trong khi các cơ quan này không có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính. Đại biểu Dung đề nghị Ban soạn thảo rà soát, cân nhắc kỹ các quy định cho phù hợp với thực tiễn cũng như đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật./.

Kiến Quốc

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu