Tất cả chuyên mục

Những năm gần đây, nhiều sân chơi trí tuệ được ngành Giáo dục tổ chức nhằm khuyến khích học sinh (HS) nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật và công nghệ. Nhiều dự án (DA) đã ứng dụng kiến thức được học vào giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, mang lại hiệu quả tích cực.
Mang tính ứng dụng cao
Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh của HS THCS và THPT do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh (cũ) tổ chức hàng năm đã góp phần thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt và nghiên cứu khoa học trong các nhà trường. Hội thi năm nay có 143 DA đăng ký tham gia (trong đó có 79 DA cấp THPT, 64 DA cấp THCS).
Tham gia hội thi, Trường THPT Nguyễn Trãi (phường Trảng Bàng) đoạt 3 giải khuyến khích, 2 giải nhì. Trong đó, em Nguyễn Lê Tâm Phúc và em Lê Minh Lợi (HS lớp 11A3) đã xuất sắc đoạt giải Nhì với DA Sử dụng chế phẩm sinh học Azadirachtin trong tinh dầu Neem kết hợp với chitosan từ vỏ giáp xác ứng dụng vào diệt và đuổi mối dưới sự hướng dẫn của cô Lê Thị Trang.
Minh Lợi chia sẻ: “Nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, có khí hậu nóng ẩm nên chịu ảnh hưởng rất mạnh của các loài sinh vật có hại, trong đó có con mối. Mối có thể đục xuyên vữa tường cùng với khả năng sinh sản cao nên chúng có thể hủy hoại, gây ra những thiệt hại như chập cháy điện, sụt nền móng, nứt tường, làm héo và chết cây trồng. Do đó, chúng em đã xây dựng DA với mục tiêu sản xuất thuốc diệt mối sinh học thân thiện với môi trường từ chitosan (vỏ tôm đã qua sử dụng) và hoạt tính Azadirachtin có trong tinh dầu Neem (cây Neem hay còn gọi là cây sầu đâu)”. Còn Tâm Phúc cho biết: “Hội thi Sáng tạo kỹ thuật thực sự là sân chơi bổ ích giúp em phát huy năng khiếu, sở trường, góp phần nâng cao kết quả học tập. Qua đó, em cũng đã rút được nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Đối với DA này, em và mọi người đã mất rất nhiều thời gian thu thập nguyên liệu phục vụ thí nghiệm và tiến hành thử nghiệm. DA mang tính thực tiễn cao và đạt hiệu quả mong đợi, có thể diệt và đuổi mối thay cho việc dùng các thuốc hóa học”.
Quá trình HS tham gia hội thi sáng tạo kỹ thuật, giáo viên luôn đồng hành, dẫn dắt, khơi gợi ý tưởng và giúp các em hoàn thiện DA. Thầy, cô thường xuyên đưa ra định hướng giúp các em phát huy sự sáng tạo, đổi mới phương pháp nghiên cứu. Các cơ sở giáo dục cũng đẩy mạnh công tác thi đua - khen thưởng, động viên kịp thời nhằm khích lệ HS tích cực tham gia sân chơi bổ ích này.
Cô Lê Thị Trang, người hướng dẫn các em thực hiện DA, chia sẻ: “HS đã rất cố gắng, tất cả thành quả là nhờ sự nghiên cứu, tìm tòi và kiên trì của các em. Để tiếp tục thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong HS, nhà trường đã và đang đẩy mạnh triển khai mô hình giáo dục theo hướng phát huy năng lực của người học”.
Hướng đến lối sống xanh
Với niềm đam mê nghiên cứu và sáng tạo khoa học - kỹ thuật, cô Nguyễn Thị Lương - giáo viên môn Sinh học, Trường THPT Hoàng Văn Thụ (xã Châu Thành), đã cùng 2 HS của mình sáng chế thành công sản phẩm phục vụ quá trình học cho trẻ mầm non từ bã mía. Theo chia sẻ của cô Lương, trong sinh hoạt hàng ngày, thấy rác thải từ bã mía khá nhiều, cô suy nghĩ làm thế nào để tận dụng được phế phẩm này để tạo ra các sản phẩm hữu ích, phục vụ đời sống.
Sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, cô Lương cùng 2 HS: Bùi Bàn Luận (lớp 10A1) và Nguyễn Huỳnh Nhi (lớp 10A3) thực hiện đề tài Học từ thiên nhiên - tạo các sản phẩm cho HS mầm non từ nguyên liệu bã mía với mục đích phát triển các sản phẩm đồ dùng giáo dục bảo đảm tính an toàn, thân thiện với môi trường.
Quy trình tạo ra các sản phẩm từ bã mía, cô Lương và 2 HS phải thực hiện nhiều công đoạn như chuẩn bị nguyên liệu; sấy khô và nghiền mịn bã mía; trộn bã mía với chất kết dính và màu tự nhiên theo tỷ lệ; tạo hình sản phẩm; sấy dưới trời nắng, kiểm tra và hoàn thiện. Sau nhiều tháng nghiên cứu cùng rất nhiều lần thử nghiệm thất bại, tháng 01/2025, nghiên cứu đã đem lại kết quả bất ngờ, có thể tạo ra những đồ dùng học tập, đồ chơi từ nguyên liệu bã mía. Đề tài được gửi tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh của HS THCS, THPT năm học 2024-2025.
Em Bùi Bàn Luận chia sẻ: “Ban đầu, sản phẩm làm ra chưa đạt chất lượng do bã mía xay chưa nhuyễn, xử lý chưa sạch, tỷ lệ pha trộn chưa đúng. Một thách thức lớn đối với mọi người là làm sao để tạo ra các đồ chơi không chỉ hấp dẫn mà còn mang tính giáo dục và gắn với quá trình học tập của trẻ mầm non như làm các chữ cái nhiều màu sắc, kích cỡ,... Lúc đó, cô và trò cùng bàn bạc, thử nghiệm, khó đến đâu thì tháo gỡ đến đó”.
Sản phẩm đồ dùng học tập từ bã mía của 2 HS Bùi Bàn Luận và Nguyễn Huỳnh Nhi dưới sự hướng dẫn của cô Nguyễn Thị Lương không chỉ thân thiện với môi trường mà còn có tính ứng dụng cao vào thực tiễn. Với tính độc đáo, góp phần bảo vệ môi trường, đề tài đã đoạt giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh của HS THCS, THPT năm học 2024-2025; đoạt giải Triển vọng Cuộc thi Nghiên cứu khoa học, kỹ thuật dành cho HS THCS, THPT cấp quốc gia năm học 2024-2025.
Có thể thấy, sân chơi nghiên cứu khoa học - kỹ thuật không chỉ giúp nâng cao khả năng sáng tạo cho HS, mang lại tính ứng dụng cao trong thực tiễn mà còn góp phần đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học. Qua đó, tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của HS, gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với đời sống thực tiễn./.
Ý kiến ()