Thứ Sáu, 09/05/2025 23:46 (GMT +7)

Luật Doanh nghiệp sửa đổi: Tạo "sân chơi" minh bạch, tuân thủ chuẩn mực quốc tế

Thứ 6, 09/05/2025 | 16:09:19 [GMT +7] A  A

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp là tâm điểm chú ý của cộng đồng kinh doanh với những kỳ vọng về sự thay đổi sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi hơn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. (Ảnh: QH/Vietnam+)
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp (Ảnh: QH/Vietnam+)

Ngày 9/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp đã làm rõ các mục tiêu, quan điểm và nội dung chính.

Đáp ứng các mục tiêu cốt lõi

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh luật tập trung vào 3 mục tiêu ba trụ cột là phát triển doanh nghiệp, đáp ứng thực tiễn và hội nhập quốc tế.

Để đạt được những mục tiêu trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết quá trình xây dựng dự thảo Luật đã được thực hiện dựa trên bốn quan điểm chỉ đạo rõ ràng. Đầu tiên, đó là thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nghiệp phát triển.

Quan điểm thứ hai tập trung vào việc đổi mới, hoàn thiện việc xây dựng Luật bám sát theo tinh thần Kết luận số 119-KL/TW ngày 20/1/2025 của Bộ Chính trị, phân định rõ thẩm quyền lập pháp và thẩm quyền lập quy theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp.

Quan điểm thứ ba là kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định pháp luật về quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp còn phù hợp với thực tế, có tác động tích cực đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Nội dung sửa đổi , bổ sung tập trung một số quy định có mâu thuẫn, đang gây khó khăn, vướng mắc, yêu cầu cần sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp.

Cuối cùng, quan điểm thứ tư nhấn mạnh việc đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; Bảo đảm sự phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các thỏa thuận, cam kết của Việt Nam và tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các nước liên quan đến nội dung chính sách để bảo đảm sự tương đồng giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật các nước.

Sửa đổi ba nhóm vấn đề chính

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung tập trung vào ba nhóm vấn đề chính là gia nhập thị trường, quản trị doanh nghiệp và phòng, chống rửa tiền.

Về gia nhập thị trường, một trong những điểm nhấn của dự thảo Luật là việc tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp gia nhập thị trường. Cụ thể, dự thảo Luật đã tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường. Ngoài việc kế thừa những cải cách, tiến bộ về ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục thành lập doanh nghiệp trước đây, dự thảo Luật đã tiếp tục hiện đại hoá, chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác đăng ký doanh nghiệp thông qua việc sử dụng định danh cá nhân để thay thế cho toàn bộ giấy tờ truyền thống.

Theo đó, dự thảo Luật đã bãi bỏ 2 nội dung giúp giảm giấy tờ mà doanh nghiệp, cá nhân phải nộp và giản lược thông tin doanh nghiệp phải kê khai cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Việc sử dụng định danh cá nhân và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp cơ quan quản lý giám sát nhân thân, tư cách pháp lý của người thành lập doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn đồng thời không gây thêm gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp.

Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể tiêu chí xác định, kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp, đảm bảo phù hợp với Kết luận số 119-KL/TW của Bộ Chính trị. (Ảnh: QH/Vietnam+)
Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể tiêu chí xác định, kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp, đảm bảo phù hợp với Kết luận số 119-KL/TW của Bộ Chính trị (Ảnh: QH/Vietnam+)

Về quản trị doanh nghiệp, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 23 nội dung nhằm giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.

Bộ trưởng Thắng cho biết các nội dung sửa đổi tập trung vào làm rõ, thống nhất các khái niệm, nội hàm quy định tại Luật để đảm bảo hiệu lực trong thực thi. Một số nội dung sửa đổi liên quan đến quản trị doanh nghiệp để đảm bảo phù hợp với thực tiễn hoạt động của các loại hình doanh nghiệp. Một số quy định tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, địa phương công tác quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp, đặc biệt là việc “hậu kiểm” nhằm giảm tối đa tình trạng vốn ảo, vốn khống, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp. Việc đẩy mạnh tích hợp chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm đảm bảo nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp đồng thời tăng cường công khai minh bạch thông tin, tạo sự an toàn cho người dân, doanh nghiệp về môi trường kinh doanh

Một trong những điểm mới quan trọng khác của dự thảo Luật là các quy định về phòng, chống rửa tiền. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, để đáp ứng cam kết quốc tế về phòng chống rửa tiền theo Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền giai đoạn 2021-2025, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 15 nội dung (sửa đổi 06 nội dung, bổ sung 9 nội dung) về cung cấp, lưu giữ và chia sẻ thông tin liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp.

Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể tiêu chí xác định, kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp, đảm bảo phù hợp với Kết luận số 119-KL/TW của Bộ Chính trị. Bộ trưởng Thắng nhấn mạnh rằng các quy định này sẽ không làm phát sinh thủ tục hành chính và giảm thiểu chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Cần rõ ràng, khả thi với doanh nghiệp

Sau phần trình bày của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Báo cáo thể hiện sự đồng thuận cao với sự cần thiết sửa đổi Luật và ủng hộ việc xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 9.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Phan Văn Mãi cũng đưa ra những đề nghị nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ định hướng này. Trong đó, Ủy ban Kinh tế và Tài chính kiến nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, thể chế Nghị quyết số 66-NQ/TW, Nghị quyết số 68-NQ/TW, Kết luận số 119-KL/TW, Quy định số 178-QĐ/TW và Nghị quyết số 110/2023/QH15; Tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các quy định của Luật Doanh nghiệp để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, bảo đảm yêu cầu cấp bách hoàn thiện thể chế thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Đối với quy định về "chủ sở hữu hưởng lợi," Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng việc dự thảo Luật quy định khái niệm chung, mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết là tương đồng với Luật Phòng, chống rửa tiền và phù hợp với định hướng đổi mới xây dựng luật. Song, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị rà soát và quy định rõ hơn chủ thể doanh nghiệp cần kê khai trên cơ sở tối ưu hóa thông tin khai thác từ hệ thống cơ sở dữ liệu sẵn có, ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước về doanh nghiệp, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quy định chuyển tiếp bảo đảm hợp lý, khả thi đối với doanh nghiệp được thành lập trước thời điểm Luật này có hiệu lực.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết sự đồng thuận cao với sự cần thiết sửa đổi Luật và ủng hộ việc xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 9. (Ảnh: QH/Vietnam+)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết sự đồng thuận cao với sự cần thiết sửa đổi Luật và ủng hộ việc xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 9 (Ảnh: QH/Vietnam+)

Mặt khác, Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhấn mạnh yêu cầu đối với Chính phủ và các bộ, ngành khẩn trương xây dựng Nghị định của Chính phủ bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật và đáp ứng yêu cầu của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF). Cụ thể là bảo đảm không mâu thuẫn với các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, gây khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp và quy định ở mức độ hợp lý, khả thi, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Các cấp nhanh chóng ban hành hướng dẫn đầy đủ, chi tiết và thực hiện các biện pháp hỗ trợ và bảo đảm điều kiện thực hiện khác để không tạo thêm áp lực hoạt động doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp thực hiện các quyền về tự do kinh doanh với chi phí thấp. Đặc biệt là nâng cấp hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp bảo đảm thông tin được tích hợp, chuẩn hóa, cập nhật đầy đủ, có sự liên thông, kết nối, chia sẻ.

Ngoài ra, Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý tầm quan trọng của các giải pháp, như cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp khác về phòng, chống rửa tiền theo khuyến nghị của FATF, chú trọng công tác thi hành pháp luật, bảo đảm mục tiêu Việt Nam không bị đưa vào Danh sách Đen.

Liên quan đến việc sửa đổi Điều 17 về đối tượng được thành lập, tham gia quản lý doanh nghiệp, bao gồm cả viên chức, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Nghiên cứu chỉnh lý quy định tại Điều 17 theo hướng súc tích hơn, loại trừ trường hợp pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có quy định khác. Báo cáo cho rằng các trường hợp cụ thể đã được thể chế hóa trong các văn bản luật chuyên ngành và đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát Luật Viên chức để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Đối với các sửa đổi, bổ sung về gia nhập thị trường, quản trị doanh nghiệp và công tác quản lý Nhà nước, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho biết đã có ý kiến cụ thể trong Báo cáo đầy đủ và đề nghị các Đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận thêm./.

Theo Vietnam+

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/luat-doanh-nghiep-sua-doi-tao-san-choi-minh-bach-tuan-thu-chuan-muc-quoc-te-post1037504.vnp

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu