Thứ Tư, 16/07/2025 01:45 (GMT +7)

Múa bóng rỗi - Duyên và nghiệp

Thứ 3, 15/07/2025 | 20:41:48 [GMT +7] A  A

Múa bóng rỗi là hình thức diễn xướng dân gian, có chức năng thực hành nghi lễ, gắn bó với tục thờ nữ thần. Người múa bóng rỗi được gọi là cô bóng hoặc bà bóng. Điệu múa ba trăm năm tuổi này cũng trải qua nhiều thăng trầm, thử thách và không phải ai cũng đủ duyên để mang lấy nghiệp vào thân.

Nghệ nhân Ưu tú UNESCO - Nghệ thuật múa bóng rỗi dân gian cổ truyền Nam Bộ - Huỳnh Hoa (giữa) hát bóng rỗi
Nghệ nhân Ưu tú UNESCO - Nghệ thuật múa bóng rỗi dân gian cổ truyền Nam Bộ - Huỳnh Hoa (giữa) hát bóng rỗi

Loại hình nghệ thuật độc đáo

Trong số các loại hình tín ngưỡng dân gian thì thờ nữ thần là dạng tín ngưỡng phổ biến của người Việt ở phương Nam. Và bóng rỗi là hình thức diễn xướng tổng hợp dân gian, có chức năng thực hành nghi lễ, gắn bó với tục thờ nữ thần.

“Bóng” là từ chỉ chung các nghệ nhân đảm nhận việc hát múa nghi lễ cúng miễu. “Rỗi” là một trong những điệu hát, thường được gọi là “thài, ru, chặp rỗi”, hay còn được hiểu là chào, mời, báo hiệu thỉnh các vị nữ thần về chứng lễ, nghe hát để phù hộ, độ trì cho người dân. Những người thực hành nghi thức bóng rỗi được gọi là “cô bóng”, “bà bóng”.

Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên - Giảng viên Trường Đại học Văn hóa, TP.HCM, cho biết: “So với những loại hình diễn xướng dân gian khác, múa bóng rỗi hay và phức tạp hơn rất nhiều. Người thực hành múa bóng rỗi phải có 4 kỹ năng: Dán mâm vàng, rỗi, hát múa và diễn chặp. Ngoài tài năng thiên phú, đòi hỏi nghệ nhân phải có sự khổ luyện.

Bài rỗi yêu cầu cô bóng phải hát nhịp nhàng, chính xác theo từng roi trống, nhịp sanh và ban nhạc lễ; phải am hiểu nội dung của bài rỗi và phát âm tròn vành, rõ chữ để truyền đạt lời đến người nghe. Những điệu bộ múa mâm vàng, múa tạp kỹ với các vũ đạo như sân khấu cũng là một nghệ thuật không phải ai cũng thực hiện được. Để làm được điều đó, các nghệ nhân phải học và tập luyện rất công phu”.

Phương pháp giảng dạy bộ môn bóng rỗi theo kiểu “cầm tay chỉ việc” là truyền khẩu các bài rỗi và hướng dẫn thực hành các điệu múa, cách giữ thăng bằng khi biểu diễn là chính. Ngoài ra, học trò còn phải theo thầy đi cúng để học tập kinh nghiệm và đòi hỏi người học phải siêng năng tự trau dồi, tập luyện, giao lưu học tập với nhau.

Nghệ nhân Mỹ Nhân (tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ: “Nghệ thuật múa bóng rỗi cần phải học tập, trau dồi thường xuyên thì mới tiến bộ và làm mới chính mình. Tôi thường theo các thầy có tiếng để học tập. Mỗi người thầy đều có cái hay riêng và mình phải biến cái hay đó thành của mình. Ngoài ra, tôi còn tự sáng tạo thêm lời văn trong khi đang cúng rỗi, để tăng tính đa dạng nhưng vẫn giữ đúng nhịp của ban nhạc lễ với các điệu Nam xuân, Nam ai, Nam chạy, lý, xang, mường,... Dù sáng tạo nhưng lời trong bài rỗi phải mộc mạc, giản dị, gần gũi, giúp người nghe dễ hiểu và đi vào lòng người”.

Nghệ nhân bóng rỗi biểu diễn múa mâm vàng trong dịp lễ Vía bà Linh sơn thánh mẫu núi Bà Đen (Ảnh: Dương Đức Kiên)
Nghệ nhân bóng rỗi biểu diễn múa mâm vàng trong dịp lễ Vía bà Linh sơn thánh mẫu núi Bà Đen (Ảnh: Dương Đức Kiên)

Nghề được chấm chọn

Năm 2016, UNESCO công nhận bóng rỗi là Di sản văn hóa phi vật thể. Còn trước đây khi chưa được vinh danh, bóng rỗi bị xem là mê tín, dị đoan, cần phải bài trừ. Từ khi múa bóng rỗi được công nhận, các cấp, các ngành bắt đầu quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, cuộc đời của các cô bóng, bà bóng theo nghiệp múa bóng rỗi cũng lắm gian truân, thậm chí bị gia đình, xã hội kỳ thị, xa lánh.

Nghệ nhân Ưu tú UNESCO - Nghệ thuật múa bóng rỗi dân gian cổ truyền Nam Bộ - Huỳnh Hoa (Huỳnh Hoàng Phúc), xã Mỹ An, chia sẻ: “Chẳng ai thích con mình bán nam, bán nữ. Cha mẹ rất đau lòng, khóc hết nước mắt, khuyên răn, thậm chí hăm he đủ điều. Nhưng có lẽ mình có duyên với nghề nên tôi chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc và quyết định theo nghiệp múa bóng rỗi đến hôm nay. Tôi biết khi cha mẹ nhìn thấy nhiều người bằng tuổi con mình đã lập gia đình và có con sẽ rất chạnh lòng, nhưng biết sao giờ, khi nghề đã mang, nghiệp đã vương”.

Ngoài định kiến từ gia đình, người theo nghiệp múa bóng rỗi còn đối mặt với gánh nặng kinh tế. Bởi ngoài mùa Kỳ yên từ tháng Giêng đến tháng 4 (Âm lịch), các cô bóng, bà bóng phải tìm công việc khác mưu sinh, duy trì cuộc sống hàng ngày.

Nghệ nhân Út Trầu, TP.HCM, nói: “Trót mang duyên với nghiệp múa bóng rỗi thì đừng tính chuyện lời lỗ, bởi chỉ cần được sống trọn với đam mê thì đã là hạnh phúc. Theo tôi, những ai theo nghiệp múa bóng rỗi phải đủ duyên và được tổ nghề chấm chọn, có như vậy, họ mới vượt qua được thử thách, khó khăn trong cuộc sống để theo đuổi đam mê đến cùng. Riêng tôi gắn bó với nghiệp múa bóng rỗi gần cả đời người, gia tài lớn nhất chính là những tràn vỗ tay, lời khen của bà con sau khi kết thúc một màn múa, hát bóng rỗi”.

Nghệ nhân Út Trầu (TP.HCM) diễn xướng bóng rỗi
Nghệ nhân Út Trầu (TP.HCM) diễn xướng bóng rỗi

Giữa nhịp sống vội vã, bóng rỗi có thể không còn là ánh hào quang rực rỡ nhưng với người nghệ nhân, đó là linh hồn, hơi thở của một đời tận hiến. Dù mai này có thể khán giả thưa dần nhưng những người trót mang duyên với nghiệp múa bóng rỗi vẫn âm thầm, bền bỉ giữ trọn đam mê, giữ gìn hồn thiêng của môn nghệ thuật cổ truyền.

Để rồi mai kia, khi ai đó tìm về, bóng rỗi vẫn còn vang vọng, vẫn sống mãi với thời gian.../.

Lê Ngọc

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu