Thứ Sáu, 11/07/2025 20:38 (GMT +7)

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại - nâng tầm sản phẩm địa phương

Thứ 6, 11/07/2025 | 16:29:47 [GMT +7] A  A

Thời gian qua, Tây Ninh chủ động triển khai các chương trình quảng bá, kết nối cung - cầu, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân tiếp cận thị trường trong và ngoài nước. Trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh, việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại (XTTM) không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là hướng đi chiến lược để nâng cao giá trị sản phẩm địa phương.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh Tây Ninh triển khai 29 kế hoạch XTTM với tổng kinh phí giải ngân gần 2,7 tỉ đồng. Từ nguồn lực này, tỉnh hỗ trợ 322 lượt doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm và hoạt động kết nối giao thương trong và ngoài nước.

Thông qua các hoạt động XTTM, nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh có cơ hội mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu và tăng sức cạnh tranh.

Chị Lan (bìa phải trong ảnh) giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương đến du khách
Chị Lan (bìa phải trong ảnh) giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương đến du khách

Thông tin từ Sở Công thương, nửa đầu năm 2025 đã phê duyệt hỗ trợ cho 3 đơn vị xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với tổng kinh phí khoảng 500 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Việc hình thành các điểm giới thiệu sản phẩm được xem là bước đi thiết thực, góp phần mở rộng độ phủ hàng hóa đặc trưng trong hệ thống bán lẻ, đồng thời nâng cao hình ảnh sản phẩm địa phương trong mắt người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Chị Trần Thị Ngọc Lan - chủ thương hiệu Chân Ý (xã Tuyên Bình, tỉnh Tây Ninh) đã xây dựng chuỗi sản phẩm chế biến từ nguồn nguyên liệu địa phương, trong đó nổi bật là các sản phẩm từ trái cà na như cà na sấy dẻo, cà na ngâm đường,....

Lớn lên ở vùng sông nước, chị chọn trái cà na quen thuộc để khởi nghiệp, đến nay đã có 9 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Sau khi được công nhận OCOP, tôi không chỉ được hỗ trợ tem nhãn để tăng uy tín trên thị trường, mà còn được ngành chức năng tư vấn về dây chuyền sản xuất, cải tiến bao bì; được tạo điều kiện tham gia nhiều hội chợ triển lãm và sự kiện XTTM trong và ngoài tỉnh.

Mỗi lần tham dự là một cơ hội quý báu để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng mới, tăng độ nhận diện thương hiệu, kết nối thêm nhiều đại lý và mở rộng thị trường. Nhờ đó, sản phẩm được nhiều người biết đến hơn, chị Lan chia sẻ.

Chị Lan tham gia một sự kiện xúc tiến thương mại được tổ chức ngoài tỉnh
Chị Lan tham gia một sự kiện xúc tiến thương mại được tổ chức ngoài tỉnh

Không dừng lại ở thị trường nội địa, hiện các sản phẩm của chị Lan đã có mặt trên nhiều sàn thương mại điện tử và từng bước chinh phục thị trường xuất khẩu với một số đơn hàng đã đến được tay người tiêu dùng nước ngoài.

Thời gian tới, ngành Công thương tiếp tục cải tiến hoạt động XTTM theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Ưu tiên hỗ trợ các nhóm sản phẩm chủ lực, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế vùng. Song song đó, sẽ mở rộng hợp tác với các cơ quan XTTM trong nước, tổ chức thương mại quốc tế, hệ thống phân phối lớn và các nền tảng thương mại điện tử uy tín.

Với ngành Nông nghiệp, trọng tâm là hỗ trợ xây dựng thương hiệu, phát triển chỉ dẫn địa lý, đăng ký nhãn hiệu, cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi và cơ sở đóng gói đạt tiêu chuẩn, phục vụ tốt cho công tác truy xuất nguồn gốc, tạo tiền đề xây dựng hình ảnh nông sản an toàn, chất lượng.

Cùng với đó là đẩy mạnh vận động doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, bền vững như nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời, hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn ngành, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Khi chất lượng được chú trọng, thương hiệu được khẳng định và thị trường ngày càng được mở rộng, sản phẩm địa phương sẽ không còn bị bó hẹp trong phạm vi tỉnh nhà mà có thể vươn xa, chinh phục cả thị trường trong nước lẫn quốc tế./.

Khánh Duy

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu