Tất cả chuyên mục

Tại Hội trường Diên Hồng, vào sáng 18/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. Hội nghị được kết nối đến hơn 37.000 điểm cầu trong cả nước, với hơn 1,5 triệu đại biểu tham dự.
Dự hội nghị có Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự tại điểm cầu tỉnh Long An, cùng với Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Quyết; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ. Hội nghị cũng được trực tuyến tới các điểm cầu cấp huyện, cấp xã trong toàn tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Chuyên đề "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW".
Ngay sau lời phát biểu trên, cả hội trường đã có tràng vỗ tay dài tán thành. Đây như là lời khẳng định cho một môi trường pháp lý thân thiện với đổi mới, sáng tạo, giúp doanh nhân dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm mà không lo “gió bay từ những điều chưa rõ ràng”.
Trước lời cam kết mạnh mẽ của Đảng và Chính phủ trong việc không “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế, dân sự. Đây được xem là một tuyên ngôn về môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và an toàn, chấm dứt tâm lý e ngại, rụt rè vốn từng khiến nhiều doanh nghiệp “co mình lại” vì sợ rủi ro pháp lý.
Nghe được thông tin này từ người đứng đầu Chính phủ, một đại biểu doanh nghiệp đã phát biểu: “Điều chúng tôi cần nhất là sự bảo hộ công bằng, không bị "hình sự hóa ngầm". Khi đã yên tâm về pháp lý, chúng tôi sẽ mạnh dạn mở rộng đầu tư, tạo thêm hàng chục nghìn việc làm”. Vị đại biểu này nhấn mạnh, Nghị quyết số 68 giống như "nắng hạn gặp mưa rào" đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Tóm lại, việc “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự” là liều thuốc tinh thần cho niềm tin doanh nhân, là tấm khiên bảo vệ sự năng động của kinh tế tư nhân, góp phần thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 68, “chắp cánh” cho khu vực tư nhân thành một động lực quan trọng hàng đầu của nền kinh tế Việt Nam.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW".
Nghị quyết số 66-NQ/TW xác định mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, góp phần đưa Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc ban hành và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 68-NQ/TW và 66-NQ/TW. Tổng Bí thư khẳng định, đây là những quyết sách có ý nghĩa then chốt đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong giai đoạn mới. Đặc biệt, cùng với Nghị quyết số 57-NQ/TW về thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và Nghị quyết số 59-NQ/TW về chủ động hội nhập quốc tế sâu, rộng, thì 2 Nghị quyết được quán triệt hôm nay được xem “Bộ tứ trụ cột” để giúp Việt Nam cất cánh và vươn mình.
Về Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư yêu cầu các cấp, các ngành cần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, giải phóng mọi tiềm năng và nguồn lực của khu vực kinh tế này. Đặc biệt, cần có những giải pháp đột phá để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp ngày càng lớn vào GDP của đất nước.
Đối với Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý, công tác xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới; đồng thời, phải bảo đảm tính khả thi và và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân và doanh nghiệp.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng lưu ý, việc triển khai 2 Nghị quyết này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận và ủng hộ rộng rãi trong toàn xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp để đưa các nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra./.
Ý kiến ()