Tất cả chuyên mục

Đảng, Nhà nước ta từng bước hiện đại, củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh (QPAN) nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong tình hình mới. Vậy mà các thế lực thù địch lại xuyên tạc, kích động rằng “Việt Nam tham gia chạy đua vũ trang, đi ngược lại chính sách hòa bình”.
Nham hiểm thủ đoạn xuyên tạc “Việt Nam chạy đua vũ trang”
Thời gian gần đây, các thế lực thù địch và tổ chức phản động ở nước ngoài như BBC, VOA, RFA,... và các trang mạng Facebook, YouTube, X, TikTok,… lại tung ra những quan điểm lệch lạc, sai trái, chống phá sự nghiệp hiện đại hóa lực lượng vũ trang, quân đội ta. Chúng rêu rao, bịa đặt rằng “Việt Nam tham gia chạy đua vũ trang, đi ngược lại chính sách hòa bình”, hô hoán với các bài viết đặt câu hỏi về vai trò con người và vũ khí trong xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc.
Với luận điệu xảo quyệt, thâm độc, chúng phủ nhận giá trị của nhân tố con người, nhân tố chính trị tinh thần mà đề cao vai trò vũ khí trang bị. Chúng vừa ra mặt chê bai, vừa ra vẻ “vì dân”, “khuyên nhủ”, “hiến kế” Việt Nam nên đi theo xu thế chung là mua sắm, hiện đại hóa vũ khí trang bị. Lố bịch hơn, chúng đưa ra phân tích, dự đoán việc Việt Nam phải làm thế này, thế kia, nếu không thì lực lượng vũ trang sẽ “suy yếu”, phải mua vũ khí của nước này, không mua của nước kia…, hòng bẻ lái “chiến lược” chủ trương của Đảng, Quân đội ta, gây tâm lý hoang mang trong cán bộ, chiến sĩ, mất niềm tin vào quá trình hiện đại hóa quân đội.
Trắng trợn hơn, chúng còn vẽ ra “thuyết âm mưu”, vu khống rằng Việt Nam tăng cường tiềm lực QPAN là khơi mào cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, là để chống lại một nước thứ ba. Việt Nam cần phải liên minh quân sự với những nước lớn có thực lực kinh tế, QPAN mới có thể bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo quốc gia.
Chúng phê phán chính sách “bốn không” của quốc phòng Việt Nam là “tự trói mình” vì tiềm lực kinh tế, quốc phòng - an ninh Việt Nam hiện nay là quá yếu, không thể “ba không”, “bốn không” mà xoay xở được; đưa ra viễn cảnh cần phải liên minh với Mỹ thì Việt Nam mới giữ được chủ quyền biển, đảo và bảo vệ được lợi ích quốc gia; không thể tay ga, tay thắng, vừa giương cao ngọn cờ “lòng tin chiến lược”, vừa hô hoán chống “diễn biến hòa bình”…
Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh là yêu cầu bức thiết
Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc quy định: Tự vệ chính đáng là quyền tự nhiên của mọi quốc gia, dân tộc. Trong đó, Việt Nam là quốc gia luôn thể hiện rõ tinh thần yêu chuộng hòa bình, tinh thần hòa hiếu. Đó cũng là một đặc điểm nổi trội trong ngoại giao Việt Nam, do vậy, đặc trưng bản chất chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Điều này đã được thể hiện rõ trong các văn kiện của Đảng, Hiến pháp và hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Điều 4 Luật Quốc phòng năm 2018 nhấn mạnh: “Củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, sức mạnh quân sự để xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới...; thực hiện chính sách hòa bình, tự vệ; sử dụng các biện pháp chính đáng, thích hợp để phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi, đánh bại mọi âm mưu và hành vi xâm lược”.
Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 khẳng định: “Chính sách quốc phòng của Việt Nam mang tính chất hòa bình và tự vệ. Việt Nam phản đối các hoạt động chạy đua vũ trang”. Có thể khẳng định, Việt Nam luôn thực hiện chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, chống chiến tranh, phản đối các hoạt động chạy đua vũ trang dưới mọi hình thức.
Thực hiện “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Đảng và Nhà nước ta chủ trương hiện đại hóa vũ khí trang bị kỹ thuật mới cho lực lượng vũ trang, quân đội nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, phải đối phó với nhiều thách thức, mối đe dọa về QPAN cả bên trong và bên ngoài, bảo vệ đất nước “từ sớm, từ xa”. Đó là nội dung phản ánh quá trình hiện đại hóa của lực lượng vũ trang nhân dân ta trong tình hình mới, với một chiến lược khoa học, đúng đắn và một lộ trình hợp lý, vì “Một đội quân giỏi nhất, những người trung thành nhất với sự nghiệp cách mạng cũng đều sẽ lập tức bị kẻ thù tiêu diệt, nếu họ không được vũ trang, tiếp tế lương thực và huấn luyện đầy đủ”(*).
Muốn giữ được độc lập, tự chủ, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ chủ yếu phải dựa vào nguồn lực của chính mình. Do vậy, Việt Nam không tham gia chạy đua vũ trang, không đi ngược lại chính sách hòa bình, không xem nhẹ yếu tố con người như các thế lực thù địch, phản động đã xuyên tạc, vu cáo.
Bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, chống phá về tăng cường tiềm lực QPAN của Quân đội nhân dân trong tình hình mới cần thực hiện một số giải pháp: Tăng cường lãnh, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc về củng cố, tăng cường tiềm lực QPAN và chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Tiếp tục quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức chính trị, hành động cách mạng trong cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đặc biệt là xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương, chính sách quốc phòng, nhất là chiến lược quốc phòng “bốn không” của Việt Nam. Từ đó, nêu cao ý thức và tăng sức “đề kháng” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; hiểu đúng về bản chất hòa bình, chính nghĩa, tự vệ của quốc phòng Việt Nam, nâng cao niềm tin, kiên quyết đấu tranh phản bác trước các thông tin xuyên tạc, sai trái.
Tăng cường quản lý các trang mạng xã hội và bảo đảm an ninh mạng ở Việt Nam. Thường xuyên nắm, xử lý và định hướng thông tin, phát hiện và ngăn chặn những thông tin xấu của các tổ chức phản động chống phá ta về QPAN trên mạng xã hội. Người dân tỉnh táo, không chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng và chủ động lan tỏa những nội dung tích cực về tình yêu biển, đảo và trách nhiệm công dân.
Trang bị kiến thức pháp lý quốc tế về chủ quyền biển, đảo, chính sách quốc phòng của Quân đội nhân dân Việt Nam là hòa bình, tự vệ, hợp tác, phát triển,… để toàn dân, toàn xã hội đồng thuận; đồng thời, chủ động phản bác, bóc trần, đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch với những hành vi lợi dụng Internet và mạng xã hội nhằm xuyên tạc, kích động dư luận chống phá Đảng và Nhà nước ta hiện nay./.
Nguyễn Minh Tâm
(*) V.I.Lênin (1918), “Phải đứng trên cơ sở thực tế”, V.I.Lênin Toàn tập, t.35, Nxb CTQG, Hà Nội, 2005, tr.497.
Ý kiến ()